Jdi na obsah Jdi na menu
 


Tổ chức nhân quyền chỉ trích quy định báo chí

 

Tổ chức nhân quyền chỉ trích quy định báo chí

24-02-2011 16:32
Tổ chức nhân quyền chỉ trích quy định báo chí
Ảnh minh hoạ

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) vừa lên tiếng chỉ trích Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong báo chí, có hiệu lực từ 25/02.

Hôm 06/01/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí và xuất bản.

Theo quy định này, các hành vi như không viện dẫn nguồn tin, không ghi rõ tên họ thật hay bút danh tác giả; hoặc sử dụng tin bài nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả... có thể bị phạt từ 1.000.000-3.000.000 đồng.

Trong thông cáo ra ngày 24/02, HRW viết đây là "đòn giáng mới vào tự do ngôn luận ở Việt Nam".

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Á châu của tổ chức có uy tín này, nói: “Các điều khoản mơ hồ và độc đoán của quy định này là tiền đề cho một sự tự kiểm duyệt nặng nề".

"Cho phép các nhà báo tường thuật thông tin một cách trung thực, chứ không phải trừng phạt họ, là cách thức tốt nhất để phục vụ lợi ích của đất nước và người dân."

Logo của Human Rights Watch Reuters

Theo HRW, quy định số 02/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với báo chí cho phép nhiều bộ phận của chính quyền có thể xử phạt các nhà báo và các tờ báo bất cứ lúc nào, dựa trên các quyết định độc đoán của giới chức, từ thanh tra Bộ Thông tin-Truyền thông, tới Ủy ban Nhân dân các cấp, công an, quốc phòng...

Human Rights Watch cho rằng ở một đất nước còn tồn tại nhiều tham nhũng như Việt Nam, quy định mới này có thể bị lợi dụng và trở thành "cách mới cho quan chức địa phương kiếm tiền".

Dẫn nguồn thông tin

Điều 7 của quy định mới về việc viện dẫn nguồn tin bị đánh giá là "gây rắc rối cho những người muốn tiết lộ thông tin và các nạn nhân, khiến họ không muốn cộng tác với báo chí."

Theo điều này, các phóng viên và tờ báo trong trường hợp “Khai thác các văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu, thư riêng”, đều có thể bị phạt.

Do vậy, HRW nói nó có thể làm cho những người cung cấp thông tin ngại ngần vì sợ bị phạt hiện danh tính và trừng phạt.

Điều này còn mâu thuẫn với Luật Báo chí năm 1990, vốn quy định báo chí không được tiết lộ danh tính của nguồn tin nếu có hại cho họ, trừ khi có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát hay Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh hoặc cao hơn.

Human Rights Watch tuyên bố rằng quy định số 2 có thể siết chặt hơn sự kiểm duyệt đã hết sức gắt gao ở trong nước, cũng như sự "trấn áp các nhà báo và bloger có uan điểm độc lập".

Thông cáo của tổ chức này đưa ra một số thí dụ về các nhà báo Việt Nam đã từng bị phạt, treo thẻ, thậm chí bị giam cầm trong thời gian qua.

Ông Phil Robertson kết luận: “Chính phủ Việt Nam cần nhận thức rằng một nền kinh tế phồn thịnh đòi hỏi có tự do báo chí, cho phép các nhà báo làm công việc của mình chứ không phải ngăn cản họ."

Mới đây Liên đoàn Báo chí Đông Nam Á (Seapa) trong phúc trình thường niên cũng cảnh báo Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát chặt báo chí và thông tin trong năm 2011.

Nguồn BBC